Những chiếc đũa được làm tỷ mẫn từ gỗ mun, trắc, gỗ dừa, được chạm khắc tinh xảo mang đậm văn hóa Việt Nam dần xuất hiện nhiều trên mâm cơm các nước Á Đông.
Những chiếc đũa được làm tỷ mẫn từ gỗ mun, trắc, gỗ dừa, được chạm khắc tinh xảo mang đậm văn hóa Việt Nam dần xuất hiện nhiều trên mâm cơm các nước Á Đông.
Chiếc đũa & bó đũa
Những chiếc đũa được làm tỷ mẫn từ gỗ mun, trắc, gỗ dừa, được chạm khắc tinh xảo mang đậm văn hóa Việt Nam dần xuất hiện nhiều trên mâm cơm các nước Á Đông và được bạn bè quốc tế đón nhận. Giấc mơ đưa đũa Việt xuất ngoại của chàng trai vùng quê nghèo đang dần trở thành hiện thực.
Bỏ phố về làng và giấc mộng đổi đời
Lâm Xuân là làng quê nghèo trước năm 1955, sau đổi tên gọi thành Quảng Thủy – thuộc vùng Nam thị xã Ba Đồn (Quảng Bình). Ở làng quê nghèo ấy, chàng trai Lê Thanh Triển – biệt danh Triển “đũa gỗ”, tốt nghiệp Trường Đại học Quy Nhơn (Bình Định).
Năm 2013, anh được công ty cử sang Nhật Bản công tác, tình cờ được đi tham quan một xưởng chuyên sản xuất đũa gỗ mỹ nghệ xuất khẩu tại nước bạn nên khi về nước, anh dành nhiều thời gian tìm tòi, nghiên cứu sản phẩm này rồi quyết chí đầu tư một cơ sở sản xuất đũa gỗ ở TP. Hồ Chí Minh bằng chút vốn liếng mà vợ chồng anh dành dụm được. Mới đầu, công việc sản xuất gặp nhiều khó khăn khi ra thị trường, nhưng với nỗ lực không ngừng, Triển “đũa gỗ” đã dần tìm được chỗ đứng tại TP. Hồ Chí Minh. Năm 2017, sản phẩm đũa gỗ mỹ nghệ, chủ yếu là hàng cao cấp, của vợ chồng anh Triển chiếm khoảng 70% thị phần chợ đầu mối Bến Thành.
Dù vậy, chàng thanh niên trẻ này vẫn nung nấu ý tưởng làm giàu trên chính vùng quê của mình, bằng cơ sở chuyên sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ. Triển quyết định trở về quê hương Quảng Bình lập nghiệp và phát triển thành Hợp tác xã (HTX) Sản xuất đũa gỗ Quảng Thủy vào năm 2018.
Với quyết tâm phải thành công, anh bắt đầu thuê những người khéo tay trong làng, rồi bắt tay chỉ việc từng người để tập làm quen với các công đoạn sản xuất. Cứ thế, từ chỗ vốn liếng vài chục triệu đồng, vài ba lao động, khoảng 50 – 70m2 nhà xưởng… chỉ chuyên sản xuất đũa gỗ, đến nay vốn điều lệ của HTX đã lên tới hàng tỷ đồng; bình quân mỗi tháng đơn vị xuất bán khoảng 120.000 đôi đũa gỗ.
Kỳ vọng đưa đũa Việt vươn xa
Cú “lội ngược dòng” của anh Triển khiến người trong làng “mắt tròn, mắt dẹt” bàn vào, tán ra vì cho rằng, cả làng làm nông từ bao đời nay, ai cũng muốn “thoát ly” ra ngoài thì Triển “đũa gỗ” lại bỗng dưng “bỏ phố về làng” làm đỗ mỹ nghệ. Nhưng Triển lại nghĩ khác, về quê là để cống hiến trí tuệ và sự sáng tạo… Anh Triển kể, mặc dù đã có kinh nghiệm nhưng ở TP. Hồ Chí Minh xưởng của anh chủ yếu sản xuất các mặt hàng cao cấp. Còn về quê để gây dựng được thương hiệu, anh phải bắt đầu từ những sản phẩm bình dân, chủ yếu là đũa làm từ gỗ, gỗ dừa, thìa, gáo gỗ… các loại đũa gỗ mỹ nghệ dòng cao cấp hơn được làm từ chất liệu sừng, xương, ngọc trai, ốc xà cừ… có giá trị thẩm mỹ cao, chất lượng tốt, được thị trường rất ưa chuộng.
Dù thương hiệu đũa gỗ Quảng Thủy đã tìm được chỗ đứng trên thị trường nội địa, cho thu nhập ổn định, nhưng anh Lê Thanh Triển luôn nuôi khát vọng thương hiệu của anh vươn ra thế giới, sẽ khẳng định được ở những thị trường “khó tính” như Hàn Quốc, Nhật Bản. Anh cho biết, năm vừa rồi, các loại đũa gỗ của HTX Quảng Thủy đã xuất sang Hàn Quốc nhưng phải qua công ty trung gian. Số lượng xuất ngày càng lớn, cho thấy sản phẩm đũa gỗ Quảng Thủy rất được bạn bè quốc tế yêu thích.
Hiện, Lê Thanh Triển đang nghiên cứu và sắp cho ra dòng sản phẩm với công nghệ Sơn Ta, loại đũa gỗ được đánh bóng bởi hợp chất tinh dầu cây Sơn Ta (có nhiều ở tỉnh Phú Yên) và nhựa thông rất được thị trường các nước Đông Á ưa chuộng. Dự kiến, trong năm 2023, HTX sản xuất đũa gỗ Quảng Thủy sẽ xuất khẩu được khoảng nửa triệu đôi đũa sang thị trường Đông Nam Á.
Thành Long
Link Báo Gốc: https://congthuong.vn/giac-mo-dua-dua-viet-xuat-ngoai-239605.html
Trả lời