Về Quảng Thủy học hỏi tấm gương dám nghĩ dám làm, lập nghiệp nơi làng quê

Thường thì người ta hay chọn thành phố, thị xã, thị trấn, chí ít cũng là nơi “cận lộ, cận giang”… để khởi nghiệp, lập nghiệp. Thế nhưng, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất kinh doanh thương mại đũa gỗ Quảng Thủy (gọi tắt: HTX đũa gỗ), Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ và thương mại Lê Hoàng (gọi tắt: Công ty TNHH Lê Hoàng) lại về với xã Quảng Thủy, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình, một làng quê nghèo khó, “cách đò trở giang”, hễ mưa là ngập lụt… để đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Quảng Thủy thuộc vùng trũng Nam thị xã Ba Đồn, cách trung tâm huyện lỵ trên chục km. Trước năm 1955, còn có tên gọi khác là Lâm Xuân xã hoặc Lâm Xuân làng.

Sau nhiều năm thực hiện công cuộc đổi mới theo chủ trương của Đảng, Nhà nước, đến nay đời sống người dân dần khấm khá lên, diện mạo nông thôn thay đổi, tuy vậy vẫn là xã khó khăn. Người dân tích cực tham gia các chương trình xóa đói giảm nghèo (xuất khẩu lao động, lao động các khu công nghiệp…), mở mang ngành nghề (làm nón lá, xây dựng dân dụng…) nhưng vẫn thuần canh cây lúa, đời sống trông chờ củ khoai, hạt thóc.

Từ chỗ là địa phương không chợ búa, quán xá, không giao thông liên thôn, liên xã…, nay Quảng Thủy đã có đình chợ khang trang, hàng chục quầy hàng tạp hóa với đông người mua, kẻ bán cùng nhiều cơ sở cơ khí, sữa chữa nhỏ khác; giao thông liên thôn, liên xã đã từng bước cải thiện, bê tông hóa, nhựa hóa thay thế lối mòn bùn đất… Nhưng vẫn là địa phương có thu nhập thấp (thu nhập bình quân đầu người năm 2020 – 2021 chưa đến 35 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn trên 1,5%); đường sá đi lại có phần dễ dàng song vẫn chỉ mới phù hợp với các loại phương tiện nhỏ, đặc biệt mùa mưa lũ dễ ngập lụt và có thể ngập lụt sâu… Mưa lũ, ngập lụt là một trong những nổi ám ảnh với người dân nơi đây, chỉ cần sơ suất là bao công sức, tài sản (xe máy, ti vi, tủ lạnh, vật dụng…) trôi ra sông, ra biển.

Năm 2017, lần đầu tiên tại Quảng Thủy ra đời một cơ sở sản xuất đũa gỗ, người dân nơi đây thường gọi “nhà máy”. Năm 2018, cơ sở chuyển đổi thành mô hình HTX.

Sản phẩm của HTX Quảng Thủy

Từ chỗ vốn liếng vài chục triệu đồng, vài ba lao động, khoảng 50 – 70m2 nhà xưởng … chỉ chuyên sản xuất đũa gỗ, nay vốn điều lệ của HTX đã trên 2 tỷ đồng; giá trị tài sản trên 3 tỷ đồng. Nhà xưởng được nâng cấp, mở rộng khung thép 2 tầng, có khả năng tránh ngập lụt trên 500m2, đầu tư máy móc thiết bị sản xuất mặt hàng mới như, mỹ nghệ dừa (gáo dừa, lọ tăm dừa, muôi, muỗng dừa…), mỹ nghệ gỗ (giỏ gỗ, khay gỗ, cốc chén gỗ…).

Số lượng lao động của HTX cũng tăng hàng năm, không còn như ngày mới thành lập. Từ chỗ chỉ có vài ba công nhân kỹ thuật, cùng 5 -7 lao động thời vụ… nay đã trên 20 công nhân lành nghề (tự đào tạo), trên 30 lao động thời vụ và hơn 50 hộ gia công tại nhà ở Quảng Thủy cũng như một số xã lân cận (Quảng Tân, Quảng Tiên, Quảng Sơn…).

Mấy năm qua, trong điều kiện không mấy thuận lợi (dịch COVID-19, mưa lũ thất thường…) nhưng HTX vẫn trụ vững, đạt doanh thu trên 8 tỷ đồng/năm. Sản phẩm đũa gỗ không chỉ có chỗ đứng ở thị trường trong nước mà bước đầu cũng đã xuất khẩu qua Hàn Quốc. Nhờ đó, thu nhập người lao động đạt 5 – 8 triệu đồng/tháng đối với lao động lành nghề, 4 – 5 triệu đồng/tháng đối với lao động thời vụ và hộ gia công.

Giám đốc HTX Lê Thanh Triển là một Cử nhân Ngữ văn, từng lăn lộn với nhiều ngành nghề khác nhau ở các tỉnh phía Nam (dạy học, hướng dẫn viên du lịch…), sau nhiều lần tiếp cận mộc mỹ nghệ đã yêu thích, ước muốn, trăn trở rồi quyết định về quê lập nghiệp, mở xưởng sản xuất đũa gỗ.

Ông Lê Thanh Triển – Giám đốc HTX đũa gỗ

Cũng như HTX đũa gỗ, năm 2018, cơ sở gia công lắp đặt thiết bị điều khiển điện tự động Bình An chuyển đổi thành Công ty TNHH Lê Hoàng. Khi mới thành lập, lao động, vốn liếng, tài sản… không đáng kể (vài ba lao động kỷ thuật, năm bảy chục triệu đồng máy móc, phụ kiện, một vài hợp đồng gia công trị giá vài chục triệu đồng).

Nay, Công ty đã có cơ sở sản xuất, văn phòng từng bước khang trang, bề thế; vốn điều lệ trên 5 tỷ đồng, doanh thu trên 10 tỷ đồng/năm; thu hút, hợp đồng dài hạn 05 lao động có trình độ đại học và cao đẳng nghề, tạo việc làm mang tính thời vụ cho hàng chục lao động khác.

Thu nhập bình quân lao động kỹ thuật trên 8 triệu đồng/tháng, lao động thời vụ trên 5 triệu đồng/tháng. Sản phẩm của Công ty không còn thuần túy là thiết kế, thi công, lắp đặt các bảng điều khiển điện (tablo) tự động phục vụ nuôi trồng thủy hải sản mà đã vươn tới thi công các công trình điện nước với giá trị hợp đồng lên đến hàng tỷ đồng.

Nét khác Giám đốc HTX đũa gỗ, Giám đốc Công ty TNHH Lê Hoàng Hoàng Bình An là người đã qua đào tạo nghề điện, từng làm việc cho nhiều doanh nghiệp, trăn trở trước nhu cầu áp dụng khoa học kỷ thuật vào sản xuất nông nghiệp nói chung, nuôi trồng thủy hải sản nói riêng của nhiều hộ nông dân trong vùng đã cố công học hỏi, nghiên cứu, thiết kế, lắp ráp các bảng tablo điều khiển tự động, giúp giảm tải công sức, chi phí, đảm bảo an toàn khi sử dụng… mà về làng lập nghiệp.

Ông Lê Hoàng Hoàng Bình An, Giám đốc Công ty đang kiểm tra thiết kế bảng điện tự động trên máy tính

Lập nghiệp nơi làng quê là hướng đi không mới, nhất là mấy năm nay người lao động phải hứng chịu thiên tai, dịch bệnh (COVID-19) nhưng lập nghiệp ở một làng quê như Quảng Thủy mà lại lập nghiệp từ những ngành nghề công nghiệp nông nghiệp nông thôn… thì quả là điều không hề dễ dàng. Như các giám đốc tâm tư, khi quyết định về làng đầu tư sản xuất, mặc dù đã suy tính kỷ lưỡng nhưng khi triển khai thực hiện, bên cạnh những thuận lợi (đất đai, nhân lực lao động dồi dào; chính quyền, các ban ngành địa phương ủng hộ, tạo điều kiện…) thì cũng nãy sinh bao khó khăn (chi phí vận chuyển tăng cao, lao động nông thôn chưa có tay nghề, xa xôi cách trở, khó tiếp cận khách hàng…), trong đó có những vấn đề còn vượt ngoài dự tính, thậm chí bất khả kháng, như: đào tạo nhân lực, phòng chống lụt bão… Nhân lực lao động nông thôn thì tiềm năng nhưng là lao động phổ thông, lao động chưa qua đào tạo.

Sau thành lập, phần thiếu kinh phí, phần thiếu kinh nghiệm… phải mất một thời gian mày mò, doanh nghiệp mới tự đào tạo được những công nhân đủ điều kiện vận hành máy móc thiết bị. Năm 2020, khi mới bước đầu ổn định sản xuất thì thiên tai, dịch bệnh bùng phát, khó khăn nối tiếp khó khăn, đặc biệt là thiệt hại do ngập lụt, cũng đã có khi có lúc tưởng như phải tạm ngừng sản xuất (trận lụt năm đó, nước lên nhanh, dâng cao trên 2m tuy đã chủ động phòng chống nhưng không đủ sức, đành ngậm ngùi buông bỏ máy móc, sản phẩm trong biển nước). Sau lũ, doanh nghiệp nào cũng thiệt hại nặng nề nhưng HTX đũa gỗ gần như trắng tay, thiệt hại lên đến cả tỷ đồng… Không thể gục ngã, sau lưng họ không chỉ là hàng chục lao động nghèo mà còn là danh dự, tình cảm với quê hương. Họ lại quyết tâm, lại vực dậy.

Cả hai đơn vị, chưa phải là doanh nghiệp có thâm niên trong sản xuất kinh doanh nhưng họ đã có những đóng góp đáng kể trong xóa đói giảm nghèo (ưu tiên thu hút lao động thời vụ, tổ chức gia công sản phẩm đối với hộ nghèo, hộ khó khăn…), xây dựng nông thôn mới (hỗ trợ kinh phí xây dựng điện, đường, nước sạch…), hoạt động thiện nguyện (tổ chức cứu hộ, hỗ trợ lũ lụt, thăm hỏi khi người dân gặp hoạn nạn…). Giám đốc HTX đũa gỗ từng tâm tư “về làng lập nghiệp không thể lấy lợi nhuận làm đầu, thước đo thành công là việc làm cho bà con nông dân”

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, sản phẩm của HTX đũa gỗ đạt “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu” nhiều năm, đạt Huy chương vàng “Sản phẩm chất lượng cao” năm 2018, chứng chỉ Ocop (chứng chỉ của UBND tỉnh Quảng Bình) 4 sao cho bộ đũa gỗ, 3 sao cho bộ mỹ nghệ dừa. Cá nhân Giám đốc HTX Lê Thanh Triển được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về thành tích “Chung tay vì người nghèo”, Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình tặng Bằng khen về thành tích “Nông dân thi đua sản xuất giỏi”…

Thành công tuy mới chỉ là bước đầu, thuận lợi, khó khăn còn ở phía trước nhưng dù sao họ quả là những người dám nghĩ, dám làm.

Hoàng Trinh

Link Báo Gốc: https://nguonluc.com.vn/ve-quang-thuy-hoc-hoi-tam-guong-dam-nghi-dam-lam-lap-nghiep-noi-lang-que-a5170.html

«
»

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline 1: 0869.136.882Hotline 2: 035 253 6536Zalo 035 253 6536